Đầu bếp


Danh hiệu đầu bếp được trao cho những người có kiến thức chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nấu ăn. Đứng đầu vị trí cao nhất là bếp trưởng - người quản lý toàn bộ hoạt động của bếp. Đó cũng là người giàu kinh nghiệm và có khả năng tổ chức để công việc được chạy đều, đảm bảo bữa ăn ngon lành, sạch sẽ, đúng giờ, nóng sốt và trình bày đẹp mắt.

·        Công việc của người đầu bếp

Với đặc trưng nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên nhẫn và khéo léo, người đầu bếp phải thực hiện rất nhiều công việc để chuẩn bị cho “ra lò” sản phẩm của mình.

- Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, vật dụng, thiết bị nấu ăn cần dùng trong quá trình chế biến. Liên tục làm vệ sinh các thiết bị này cũng như quanh khu vực nấu ăn để đảm bảo cho các món ăn sạch sẽ.

- Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chọn các nguyên liệu đầu vào sạch sẽ, có xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng.

- Thực hiện nấu ăn bằng các phương pháp rán, nướng, quay, luộc, om, hấp, kho rim, nướng v.v… Chỉ đạo, phối hợp các hoạt động nấu ăn (trong trường hợp của bếp trưởng).

- Trình bày các món ăn đẹp mắt.

- Nhận và bảo quản các đồ thực phẩm.

- Đào tạo và giám sát các nhân viên nấu ăn khác.

Ở các đơn vị lớn như nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ, tiệm ăn nhanh v.v..., đầu bếp thường chuyên về một loại thức ăn đặc biệt, hoặc chuyên về các món ăn dân tộc như món Pháp, món Trung Quốc… Ngoài ra, còn có đầu bếp chuyên làm các món tráng miệng, bánh nướng, bánh ngọt v.v...

·        Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Đầu bếp làm việc theo ca, bao gồm cả ngày cuối tuần và ngày lễ theo yêu cầu của thực khách. Công việc này đôi khi khá căng thẳng và bận rộn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm trong ngày hay các dịp lễ tết, các sự kiện đặc biệt như hội nghị, tiệc chiêu đãi v.v…

Người đầu bếp có tài có thể làm việc ở rất nhiều nơi: trong khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cafe, bệnh viện, các trường nội trú, các cơ quan, đơn vị...

Ngành du lịch và khách sạn phát triển mạnh mẽ đang kéo theo nhu cầu nhân lực lớn về nghề này. Đầu tư phát triển các đầu bếp tài năng cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua ẩm thực. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và khả năng, các đầu bếp và bếp trưởng hoàn toàn có thể tự mở cửa hàng kinh doanh cho mình.

·        Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

- Khéo tay, sạch sẽ, thích công việc nấu nướng, sức khỏe tốt

- Có khả năng tổ chức công việc

- Có khả năng làm việc dưới áp lực cao và làm việc theo nhóm

- Có mắt thẩm mỹ tốt; nhạy cảm với mùi vị

- Chịu khó học hỏi

·        Một số địa chỉ đào tạo

Bạn có thể học nghề này trực tiếp ở các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ. Thời gian đầu tiên bạn sẽ là thợ học việc. Sau đó, bạn làm việc tại chính những nơi mình đã học nghề, ở một nơi khác hoặc tự mở cửa hàng ăn của mình hoặc bạn tham gia học ở các trường cao đẳng, trung cấp nghiệp vụ du lịch, khách sạn, các lớp dạy nấu ăn ở các trung tâm dịch vụ việc làm. Hiện nay, thường xuyên có các khóa đào tạo ngắn hạn do các đầu bếp nước ngoài giảng dạy. Bạn hãy chú ý theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để biết về các lớp học này.