KỸ THUẬT VIÊN ĐIỆN LẠNH


Khi đời sống và nhu cầu của người dân ngày càng được cải thiện thì các thiết bị điện, điện lạnh gia dụng càng trở nên phổ biến, đa dạng về mẫu mã, chủng loại trong mỗi hộ gia đình. Chính vì thế mà các kỹ thuật viên và các chuyên gia ngành Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt (Điện lạnh) cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong việc lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống lạnh, hệ thống điều hòa không khí của các cơ quan, công sở, các công ty, xí nghiệp… cũng như các thiết bị điện lạnh cho hộ gia đình. Vậy công việc của một kỹ thuật viên điện lạnh sẽ như thế nào, cùng Hướng Nghiệp Dạy Nghề tìm hiểu qua bài viết sau bạn nhé!

 

KỸ THUẬT VIÊN ĐIỆN LẠNH SẼ LÀM GÌ?

Sau khi học nghề, một kỹ thuật viên điện lạnh sẽ có khá nhiều cơ hội việc làm trong các xí nghiệp, nhà máy như: nhà máy giấy, nhà máy thực phẩm, nhà máy dệt, nhà máy đông lạnh, nhà máy đường tại các công ty Cơ điện lạnh, các cao ốc văn phòng, nhà hàng khách sạn lớn, các siêu thị, cảng, sân bay… Nói một cách đơn giản, nơi nào có sử dụng hệ thống điện lạnh, ở đó cần những kỹ thuật viên điện lạnh lành nghề.

Tại những đơn vị này, một kỹ thuật viên điện lạnh sẽ thực hiện các công việc như:

  • Kiểm tra và bảo dưỡng hàng ngày các máy móc, hệ thống lắp đặt điện, toà nhà và các trang thiết bị kết nối khác, hệ thống điện lạnh, điều hòa, đường ống, hệ thống vệ sinh, máy móc và các trang thiết bị.

  • Có mặt khi khách hàng phàn nàn và tiến hành sửa chữa. Công việc sửa chữa lớn phải báo cáo cho Giám sát Kỹ thuật.

  • Theo dõi và ghi chép lại các tiêu chuẩn đo lường khác nhau, đo nhiệt độ, đường ống và các trang thiết bị khác, điều chỉnh khi cần thiết để hệ thống hoạt động theo đúng chức năng.

  • Hỗ trợ công ty trong kế hoạch bảo dưỡng thiết bị định kỳ

  • Khi cần sửa chữa hay lắp đặt lớn, có mặt và hỗ trợ các Nhà dịch vụ nếu được yêu cầu.

  • Chuẩn bị dụng cụ cho việc kiểm tra định kỳ các máy móc và trang thiết bị, ví dụ kiểm tra hệ thống báo cháy, kiểm tra định kỳ hàng năm hệ thống máy móc.

  • Thực hiện những công việc được giao bởi Giám sát Kỹ thuật/ Trưởng bộ phận

  • Làm các công việc khác được giao

Bên cạnh đó, nếu bạn yêu thích kinh doanh thì có thể mở một cửa hàng dịch vụ điện lạnh cho riêng mình. Nhu cầu điện lạnh dân dụng cũng khá cao và bạn có thể cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa hệ thống điện lạnh cho các toà nhà, công ty, hộ gia đình nhỏ lẻ khác.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Một kỹ thuật viên điện lạnh cần phải được đào tạo bài bản ở trường Cao đẳng, Cao đẳng nghề hoặc trường nghề chuyên biệt để có đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Giờ thực hành trong chương trình học cũng chiếm một vai trò rất quan trọng để mỗi học viên nắm vững kiến thức, thành thạo công việc để dễ dàng bắt kịp nhịp độ, guồng quay công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, đa phần các thiết bị điện tử ngày nay đều rất tinh vi và thường xuyên có sự thay đổi trong thiết kế. Chính vì thế mà kỹ thuật viên điện lạnh phải có khả năng cập nhật công nghệ và thiết kế mới, qua đó “bắt bệnh” chính xác để sửa chữa khắc phục một cách tốt nhất những hệ thống điện lạnh mà mình phụ trách.


Trong thời đại hội nhập, một kỹ thuật viên điện lạnh còn có nhiều cơ hội việc làm tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, chính vì thế mà khả năng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh vẫn là một yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, kỹ thuật viên điện lạnh còn phải là một người có tư duy logic, sử dụng máy tính thành thạo, giỏi tính toán, cẩn thận, hoà đồng để quá trình làm việc nhóm diễn ra thuận lợi nhất nhất.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC & CƠ HỘI VIỆC LÀM

Điện lạnh là một trong những nghề mà tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt tới 90%. Công việc ổn định, bên cạnh đó mức thu nhập cũng khá cao, có thể nói đây là một nghề đầy tiềm năng cho nhiều bạn trẻ.

Bạn có thể lắp đặt, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí cho các hộ gia đình, đảm nhiệm điều khiển hệ thống thiết bị máy lạnh trong các khu công nghiệp, đặc biệt là thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, tòa nhà lớn… Môi trường làm việc của các kỹ thuật viên điện lạnh thông thường là các nhà máy, xí nghiệp, toà nhà lớn, những nơi có vận hành một hệ thống điện lạnh và cần có kỹ thuật viên thường xuyên bảo trì, chăm sóc.

Nếu làm việc cho một doanh nghiệp, công ty lớn, kỹ thuật viên điện lạnh có thể làm việc 8 tiếng một ngày theo giờ hành chính hoặc được phân công, chia ca trực theo yêu cầu của tổ chức. Nếu làm riêng thì kỹ thuật viên điện lạnh sẽ linh hoạt hơn trong thời gian làm việc, có thể phải tăng ca vào mùa cao điểm, khi nhu cầu bảo trì, sửa chữa điện lạnh ở các hộ gia đình đột ngột tăng cao.  

NƠI ĐÀO TẠO

Nếu muốn trở thành một kỹ thuật viên điện lạnh bạn có thể theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề trên toàn quốc. Bên cạnh đó, một số trung tâm dạy nghề cũng có tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn cho lĩnh vực Điện gia dụng mà bạn có thể tham khảo trước khi đưa ra một quyết định phù hợp với năng lực và nhu cầu của chính bản thân mình.