KỸ THUẬT VIÊN IN ẤN


Nghĩ đến nghề in ấn, phải chăng bạn thường tưởng tượng đến những tiệm photocopy trước cổng trường? Không đâu nhé! Nghề in trong những xí nghiệp, xưởng in quy mô lớn vốn rất phong phú, nhiều máy móc, kỹ thuật đòi hỏi người làm nghề cũng cần được đào tạo để có tay nghề cao. Cùng Hướng Nghiệp Dạy Nghề tìm hiểu xem công việc này có những yêu cầu và thử thách gì nhé!

 

KỸ THUẬT VIÊN IN ẤN TRÊN GIẤY SẼ LÀM GÌ?

Là người phối hợp cùng những kỹ thuật viên khác để vận hành quy trình in ấn tại các xưởng in một cách tuần tự và chính xác, một kỹ thuật viên in ấn sẽ là người:

- Vệ sinh máy móc thiết bị hàng ngày theo định kỳ để đảm bảo thiết bị sản xuất vận hành tốt.
- Chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu sản xuất: Mực in, sữa lau bản (sản phẩm dùng vệ sinh bản in), cao su…
- Kiểm tra máy móc, thiết bị sản xuất trước khi tiến hành sản xuất. Nếu có hỏng hóc cần báo ngay cho cấp quản lý.
- Kiểm tra sản phẩm mẫu với bản kẽm in: đã đúng và đủ màu sắc hay chưa, đúng quy cách in hay chưa.
- Tiến hành in sản phẩm đúng số lượng quy định
- Kiểm tra chất lượng sản phẩm: màu sắc, kích thước… đúng như file thiết kế.
- Phản hồi tới các bộ phận liên quan nếu phát hiện sai sót.
- Hoàn thành các công việc khác được cấp trên phân công.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Vì mỗi dây chuyền sản xuất tại xí nghiệp in ấn có giá thành rất lớn, có thể từ 1 tỷ đến vài chục tỷ đồng nên một kỹ thuật viên in ấn cần phải được đào tạo bài bản để có thể tham gia vào quy trình in một cách chặt chẽ và chính xác.

Bạn phải hiểu rõ về các công nghệ, kỹ thuật in khác nhau như: in AB, in lụa, in Flexo, in Offset, in proof,…, kỹ thuật đứng máy, kiểm tra chất lượng sản phẩm phải chỉn chu, hoàn hảo như đã cam kết với khách hàng.

Bên cạnh đó, một kỹ thuật viên in ấn còn phải có sức khoẻ tốt, dẻo dai để vận hành các quy trình in ấn một cách chuẩn xác và thái độ nghiêm túc với thời gian làm việc mà cơ sở in ấn yêu cầu.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC & CƠ HỘI VIỆC LÀM

Kỹ thuật viên in ấn có thể làm việc tại các cơ sở, xưởng in lớn nhỏ khác nhau vào giờ hành chính hoặc theo ca (có thể phải tăng ca vào mùa cao điểm). Tại đây, một kỹ thuật viên in ấn cần phối hợp với những người làm cùng để vận hành máy móc, thiết bị, thực hiện các quy trình in ấn một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Vì phải làm việc tại nhà xưởng nên một kỹ thuật viên in ấn phải đối mặt với tiếng ồn của động cơ máy móc, mùi giấy, mực và thậm chí là cảm giác nóng bức của những khu vực sản xuất chuyên biệt.

Tuy vậy, kỹ thuật viên in ấn lại đang được các doanh nghiệp săn đón và nhu cầu tuyển dụng là vô cùng lớn. Theo thống kê của Hiệp hội In Việt Nam, cả nước hiện có gần 1.200 doanh nghiệp in lớn và trên 5.000 cơ sở in tư nhân với khoảng 40.000 lao động. Tính trung bình, mỗi năm nước ta cần trên 2.000 lao động trong ngành in để thay thế cho những người đến tuổi về hưu và chuyển đổi công tác. Đó là chưa kể đến số lượng các doanh nghiệp phát triển theo. 

Bên cạnh đó, thu nhập của một kỹ thuật viên ngành in cũng khá tốt, dao động từ 3 đến 5 triệu đồng khi mới ra trường và cán bộ có tay nghề có thể nhận khoảng 10 - 15 triệu đồng một tháng. Nếu bạn yêu thích hoặc muốn theo đuổi lâu dài với ngành in, bạn hoàn toàn có thể mở một cửa hàng riêng và xây dựng sự nghiệp cho chính mình.

NƠI ĐÀO TẠO

Hiện cả nước có 6 trường đào tạo ngành Công nghệ in, bao gồm: CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Nam Định; CĐ Công nghiệp In; ĐH Bách khoa Hà Nội; và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Bên cạnh đó, bạn còn có thể học nghề in ấn tại các trung tâm, trường dạy nghề, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nắm bắt thêm về kỹ năng thực tế trong quá trình làm việc.