NGHỀ DỰNG VIDEO - VIDEO EDITOR


Tất cả những bộ phim bạn xem, nhưng video post trên mạng xã hội … đều không chỉ có sự đóng góp của videographer mà còn có sự tham gia của một người vô cùng quan trọng khác - Video editor, “gã phù thuỷ” cho những đoạn phim trở nên liền mạch, sáng tạo và thú vị đến bất ngờ.

 

VIDEO EDITOR LÀM GÌ?

Công việc của một video editor thực chất là dùng phần mềm bỏ đi những đoạn quay không cần thiết, ghép nối những đoạn quay lại với nhau để trở thành một bộ phim hay một video có mục đích và nội dung rõ ràng.

Các công việc cụ thể của một video editor có thể là như sau:

Đọc kỹ kịch bản quay hoặc nội dung, ý tưởng cần quay dựng, tham gia thảo luận biên kịch, đạo diễn và các thành viên liên quan để làm rõ nội dung, cảnh quay cũng như các bước cần phải xử lý trong khâu hậu kỳ.

Tham gia các buổi quay để có cái nhìn tổng thể, kiểm tra để đảm bảo đã có đầy đủ nguồn dữ liệu cho quá trình dựng phim.

Quản lý tất cả các dữ liệu video khi đã quay xong.

Xem kỹ từng cảnh quay, lựa chọn những cảnh quay có chất lượng tốt nhất, sắp xếp thành những đoạn phim “thô” và xâu chuỗi chúng lại theo thứ tự để hình thành nên một cấu trúc câu chuyện hoàn chỉnh.

Thảo luận với biên kịch về nội dung đã quay, quyết định thêm thắt các hiệu ứng âm thanh, chèn nhạc, xử lý tiếng động, lời thoại, cân đối mọi yếu tố cho đoạn video cuối cùng hợp lý, hài hoà.

Chỉnh sửa lại nếu có yêu cầu từ đạo diễn, nhà sản xuất hoặc khách hàng.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Vì là một công việc phải sử dụng kỹ thuật để tạo nên nghệ thuật nên người dựng video phải là người có kiến thức vững vàng trong việc sử dụng các phần mềm chuyên dụng như: Adobe Premiere, Final Cut Pro , Avid Media Composer , Sony Vegas , Edius…. Mỗi phần mềm đều có những ưu nhược điểm riêng, đáp ứng các yêu cầu khác nhau. Trong đó, phần mềm Adobe Premiere được ưu ái cao vì khả năng tương tác với những phần mềm khác trong họ Adobe như: After Effects, Photoshop, Illustrator,…..

Bên cạnh đó, người dựng video còn phải có kiến thức về nghệ thuật phim ảnh, nhiếp ảnh và âm thanh. Có tư duy, sức tưởng tượng tốt để có thể “vẽ” nên một câu chuyện, một bộ phim ngay khi ý tưởng chỉ mới được hình thành trên giấy.

Đặc biệt, vì người dựng video không chỉ làm việc một mình nên kỹ năng giao tiếp, thương lượng, kỹ năng xử lý vấn đề cũng như khả năng chịu được áp lực khi deadline đến gần cũng là những yêu cầu cấp thiết.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM

Video editor có thể làm việc trong các đài truyền hình, công ty giải trí, công ty sản xuất phim ảnh, MV ca sỹ, cũng có thể làm việc tại các Production House chuyên quay video quảng cáo, TVC … cho các thương hiệu lớn. Đa phần các công ty này đều có môi trường làm việc khá năng động, cởi mở, đề cao tinh thần sáng tạo và khả năng cập nhật kiến thức, xu hướng mới của mỗi người.

Tại những công ty này, bạn có thể sẽ không cần có mặt cố định 8 tiếng/ ngày, không bị kiểm tra về thời gian ra vào hay quá trình làm việc, tuy vậy, thái độ xử lý công việc, ý thức tuân thủ deadline cũng như tính sáng tạo, tỉ mỉ, cầu toàn lại là yêu cầu vô cùng cấp thiết.

Đi cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí, ngành Marketing, truyền thông & quảng cáo, video editor càng ngày càng nhận được sự quan tâm của các công ty và nhà tuyển dụng. Đây chắc chắn là một công việc đầy hấp dẫn và triển vọng trong hiện tại và cả tương lai.

NƠI ĐÀO TẠO

Nghề dựng phim hiện tại chưa quá phổ biến để được đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng nên để trở thành một video editor chuyên nghiệp, bạn có thể theo học các khoá học tại các trung tâm, học viện và cơ sở dạy nghề chuyên nghiệp trên toàn quốc. Tuy vậy, bạn cần nghiên cứu, tìm tòi, hỏi ý kiến những người đi trước để có thể lựa chọn cho mình một cơ sở dạy nghề uy tín và phù hợp nhất.