NGHỀ MỘC


Trước đây, thợ mộc là cách gọi dân dã chỉ những người chuyên thiết kế, sản xuất các sản phẩm làm từ gỗ để đáp ứng nhu cầu trang trí, sinh hoạt trong các hộ gia đình. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, nghề mộc ngày nay đã được đưa vào ngành công nghiệp với các dây chuyền sản xuất quy mô lớn và hiện đại. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những người thợ mộc với tầm nhìn, ý chí và khát vọng còn cho ra đời những thương hiệu sản xuất đồ nội thất đầy ấn tượng và đặc sắc.

Bạn cũng yêu thích nghề mộc, muốn tìm hiểu và đi xa hơn?! Vậy thì đừng bỏ qua bài viết sau đây nhé!

THỢ MỘC LÀM GÌ?

Mộc (gỗ) là chất liệu sử dụng để tạo nên những món đồ nội thất không thể thiếu trong mọi gia đình Việt và người thợ mộc là người thiết kế, đo đạc, tính toán để làm nên những sản phẩm phù hợp, chất lượng và thú vị nhất. Công việc mỗi ngày của một người thợ mộc sẽ là:

-            Gia công gỗ, tạo hình sản phẩm theo bản mẫu thiết kế, sử dụng các công cụ như: bào, cưa, đục, búa, khoan, máy cắt…
-            Tính toán, đo lường các thông số kỹ thuật trên vật liệu một cách chính xác.
-            Tiến hành xây dựng, lắp đặt các kiến trúc cầu thang gỗ, cửa gỗ, sàn gỗ, kiểm tra, sơn sửa, thay thế khung cửa, cầu thang… (đối với những người phụ trách kiến trúc gỗ trong xây dựng).
-            Thiết kế họa tiết, giũa, tỉa, chạm khắc mỹ nghệ, lắp ráp, sơn, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm.
-            Sáng tạo, cập nhật mẫu mã mới, đảm bảo nguồn nguyên liệu (đối với những người thợ chế tác đồ gia dụng hoặc đồ mỹ nghệ).
-            Quảng bá hình ảnh của sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đến cho người dùng.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Nghe rất hấp dẫn nhưng để làm được nghề mộc, bạn phải chuẩn bị không ít thứ. Quan trọng nhất là sức khoẻ vì người làm nghề mộc thường xuyên phải sản xuất ra những món đồ nội thất có kích thước, khối lượng lớn như giường, tủ, bàn ghế, cầu thang,… Bên cạnh đó, để sử dụng tốt các dụng cụ làm mộc, người thợ mộc bắt buộc phải có thể lực tốt, đôi tay thật khoẻ và khéo léo. Mắt thẩm mỹ, khả năng đo lường, tính toán sao cho các thông số trên sản phẩm thật chính xác, tính tỉ mỉ, kiên trì, lòng say mê với công việc cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết.

Đặc biệt, nếu muốn trở thành một “ông chủ” trong nghề mộc, bạn còn phải học thêm chuyên ngành thiết kế nội thất, thiết kế đồ gỗ, thấu hiểu các loại gỗ cũng như bắt kịp các xu hướng nội thất làm từ gỗ để phát triển được một thương hiệu của riêng mình.

Tham khảo thêm thông tin về người làm nghề mộc ngay tại đây: [link]

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM

Có thể nói nghề mộc là một nghề rất thú vị và hấp dẫn, nhưng người làm mộc cũng đối mặt với không ít khó khăn. Thợ mộc phải làm việc trong nhà xưởng rộng lớn, nóng và nhiều bụi gỗ. Nếu làm việc ở các phân xưởng thuộc công ty lớn, thời gian làm việc của người thợ mộc sẽ cố định 8 tiếng/ ngày và có thể tăng ca trong các mùa cao điểm.

Người làm mộc tư nhân, tuy là xưởng sản xuất của riêng mình nhưng công việc có thể cũng vất vả không kém. Tuy vậy, thời gian làm việc sẽ thoải mái và linh động hơn do bạn là người quyết định và chủ động sắp xếp các công việc của mình.

Học nghề mộc cũng đem đến cơ hội việc làm khá rộng mở, bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất gỗ công nghiệp, sản xuất đồ nội thất làm từ gỗ, các xưởng gỗ truyền thống hoặc tự hoạch định, phát triển 1 thương hiệu đồ gỗ của riêng mình.

NƠI ĐÀO TẠO

Để trở thành một thợ mộc, bạn nên theo học nghề mộc tại các trường Đại học, Cao đẳng, trường Trung cấp, Trung tâm dạy nghề có chuyên ngành đồ gỗ, thiết kế, kỹ thuật đồ gỗ… để nắm các kiến thức nền tảng về nghề, tham gia các giờ thực hành để thành thạo hơn trong công việc.

Bên cạnh trường học, các làng nghề truyền thống, xưởng mộc, cơ sở sản xuất đồ gỗ cũng là một trong những lựa chọn thú vị nếu bạn muốn được trực tiếp học hỏi, tham gia vào quá trình làm việc thực tế.

Nếu có ý muốn thành lập một thương hiệu nội thất cho chính mình, bạn có thể thi vào khoa Kiến trúc, Thiết kế nội thất của các trường Đại học, Cao đẳng để nắm bắt tốt hơn kiến thức nền tảng, học chuyên sâu hơn về thẩm mỹ cũng như nắm bắt các xu hướng thiết kế nội thất mới nhất trên thị trường.

Nghề mộc là một nghề rộng lớn đầy triển vọng, ở “ao nhà” hay vươn ra “sông xa”, thậm chí là thế giới phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, niềm đam mê và tư duy của chính bạn!

* Nếu muốn tìm hiểu thêm về nghề Thiết kế đồ gỗ nội thất thì bạn có thể click vào đường link sau để xem 1 video giới thiệu về nghề nghiệp đầy thú vị này nhé!

Link: http://huongnghiepdaynghe.com/Lib/VideoDetail/23