NGHỀ THỢ GỐM


Những chiếc bình với hoa văn tinh xảo, những chiếc bát, tô, ly tách từ bao đời nay đã luôn gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình Việt Nam. Những sản phẩm này cũng đánh dấu sự tồn tại của nghề làm gốm, một nghề vất vả, đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự kiên trì, cố gắng những cũng chứa đựng đầy đam mê, niềm vui và hoài bão.

Bạn yêu thích nghề gốm và “mon men” muốn tham gia vào lĩnh vực này?! Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau bạn nhé!

THỢ LÀM GỐM SẼ LÀM GÌ?

Nói một cách dễ hiểu, người thợ gốm là người biến những khối đất sét vô tri vô giác và bình thường trở thành những món đồ gia dụng có ích, hoặc thậm chí là những tác phẩm nghệ thuật sắc sảo với nhiều tầng lớp ý nghĩa, thanh cao và sâu sắc. Tuỳ môi trường làm việc mà một người thợ / nghệ nhân làm gốm sẽ tham gia vào tất cả các bước trong quy trình sản xuất hay chỉ “nhúng tay” vào một công đoạn duy nhất.

Các công đoạn này bao gồm:

-  Chọn và xử lý đất: Người thợ phải chọn loại đất sét trắng, có độ dẻo cao, hạt mịn, khó tan trong nước thì khi làm ra sản phẩm gốm sứ mới đạt chất lượng cao. Sau đó là khâu xử lý đất để loại bỏ tạp chất trước khi đất sét được đưa vào khâu sản xuất kế tiếp.

-  Tạo dáng cho sản phẩm, phơi & sấy: Người thợ gốm có thể dùng khuông hoặc bàn xoay để tạo hình cho sản phẩm, “hô biến” khối đất sét nhàm chán ban đầu trở nên có hình thù & công dụng rõ rệt. Sau đó phải đem sản phẩm đi phơi / sấy để không bị nứt nẻ và thay đổi hình dáng ban đầu.

 

-  Trang trí hoa văn: Đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm sẽ tạo nên linh hồn cho sản phẩm bằng các nét vẽ nên hoạ tiết, chạm khắc, đắp… tinh xảo, bắt mắt và hợp với từng dáng gốm.

-  Chế tạo men: Từ các nguyên liệu được chọn lọc, người thợ gốm bắt đầu pha trộn, tinh chế ra lớp men bóng phủ bên ngoài đồ vật.

-  Tráng men & nung: Tráng đều sản phẩm qua men rồi đem đi nung. Một quá trình vất vả, dài hơi mà người thợ gốm phải trải qua trước khi được nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình ra đời.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều sản phẩm gốm đẹp, thú vị & thu hút trên thị trường, bạn cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hàng loạt video truyền cảm hứng về nghề làm gốm, nhưng có một sự thật thì đây là một công việc khó nhằn, đòi hỏi bạn phải thật sự kiên nhẫn, khéo tay, có mắt thẩm mỹ, có tư duy tốt để đạt đến trình độ cao trong nghề.

Ngoài việc phải được đào tạo bài bản, kỹ càng, hãy tưởng tượng đến những giờ làm việc liên tục bên bàn xoay để tạo hình sản phẩm, cảm giác căng não suy nghĩ, sáng tạo nên các hoạ tiết, hoa văn, chi tiết chạm khắc cho một bộ sưu tập mới hay những giờ chờ đợi mẻ  gốm trong lò nung với tỉ lệ sản phẩm lỗi là không hề ít. Bên cạnh đó, bạn còn phải là một người có sức khoẻ tốt để dễ dàng di chuyển, khiên vác các sản phẩm trong quá trình làm việc. Rõ ràng đây không phải là một công việc cho các bạn “chân yếu tay mềm”

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC & CƠ HỘI VIỆC LÀM

Theo đuổi nghề làm gốm, bạn có thể làm việc tại các khu công nghiệp, các xưởng sản xuất, làng nghề truyền thống hoặc tự mở một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ cho riêng mình. Khi Internet, mạng xã hội phát triển thì cơ hội việc làm là không giới hạn, nếu sản phẩm của bạn thực sự tốt, bạn có thể giới thiệu chúng một cách nhanh chóng trên các kênh truyền thông hoặc thậm chí, chào bán như những món quà lưu niệm, những sản phẩm có giá trị cao ra thế giới.

 

Nếu làm việc tại các xưởng sản xuất, bạn thường phải làm việc theo giờ hành chính, hoặc theo ca và có thể cần tăng ca vào các giai đoạn cao điểm.

Tuy vất vả là vậy nhưng nghề gốm là nghề có nhiều cơ hội. Dễ thấy gốm, sứ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và những món đồ gia dụng như chén, đĩa, cốc, ly, tách… với những cải tiến trong mẫu mã, màu sắc, gu thẩm mỹ ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, gốm sứ còn là những sản phẩm có thể tượng trưng cho dòng sản phẩm quà tặng cao cấp, không chỉ dành cho khách hàng trong nước mà còn có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

NƠI ĐÀO TẠO

Để trở thành một người thợ / người làm nghề / nghệ nhân gốm sứ, bạn có thể theo học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng dạy nghề chuyên nghiệp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, việc vừa học vừa làm tại các làng nghề gốm sứ truyền thống như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Phù Lãng, gốm sứ Bàu Trúc… cũng là một lựa chọn hấp dẫn.

Là một người thợ gốm tuy rất vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng đầy những điều thú vị, niềm vui và cơ hội mới. Nếu bạn thích gốm sứ và muốn tham gia vào lĩnh vực này, còn chần chờ gì nữa, thích là “nhích” ngay đi nào!