Nuôi trồng Thuỷ sản


KỸ THUẬT VIÊN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Là một ngành nghề còn khá mới lạ với nhiều bạn trẻ Việt Nam nhưng kỹ thuật viên nuôi trồng thuỷ sản lại là một trong những ngành đang có nhu cầu nhân sự cao để đáp ứng cho các mô hình nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu ở các tỉnh miền Tây. Đây là ngành học tiềm năng, mang lại cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cũng như điều kiện khởi nghiệp kinh doanh cho các bạn trẻ.

Hầu hết sinh viên ra trường đều có công việc ổn định. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành vẫn chưa cung ứng đủ với nhu cầu xã hội. 

CÔNG VIỆC CỦA KỸ THUẬT VIÊN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Kỹ thuật viên nuôi trồng thuỷ sản là một công việc tương đối vất vả. Trách nhiệm chính của họ là chịu trách nhiệm về ao nuôi và báo cáo cho trưởng vùng thông qua các hoạt động:

- Quản lý ao nuôi: quản lý nước, quản lý thức ăn, quản lý dịch bệnh.

- Quản lý an ninh và tài sản vùng nuôi theo khu vực được phụ trách.

- Tham gia vào thực hiện các dự án nghiên cứu.

- Vận hành vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong những công việc trên, phần quan trọng hơn hết là quản lý ao nuôi. Hằng ngày một kỹ thuật viên vùng nuôi sẽ phải kiểm tra ao nuôi, môi trường nước, xử lý nước, kiểm tra theo dõi sức khỏe định kì của tôm/cá, dự đoán bệnh và phòng trị bệnh cho tôm/cá.

Tôm cá có thể bị bệnh bởi nhiều tác nhân như: biến đổi thời tiết, các yếu tố bất lợi của môi trường, các nhóm vi khuẩn, virus hoặc do yếu tố dinh dưỡng như chất lượng thức ăn kém… Khi quản lý dịch bệnh, kỹ thuật viên nuôi trồng thuỷ sản cần xác định đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý hữu hiệu và kịp thời. Quản lý tốt dịch bệnh xảy ra trên ao nuôi sẽ giúp người nuôi đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.

Song song với việc quản lý ao nuôi, nhân viên vùng nuôi còn có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu của công ty. Đây sẽ là cơ hội tốt để các kỹ thuật viên vùng nuôi tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân để phát triển nhiều hơn trong tương lai.

ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC & CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp xong, các bạn sinh viên có thể làm việc tại các công ty thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các sơ sở sản xuất giống, các Sở Nông nghiệp, Sở Khoa học công nghệ, tư vấn cho các hộ nuôi hay là tự mình đứng ra làm chủ trang trại, kinh doanh cửa hàng thuốc thú y, thức ăn cho thủy sản...

Nếu đã lựa chọn để làm việc tại các công ty nuôi trồng thuỷ sản thì một kỹ thuật viên vùng nuôi cũng có thể phấn đấu để trở thành kỹ thuật trưởng, quản lý hay thậm chí là giám đốc vùng nuôi.

Môi trường làm việc tại các công ty nuôi trồng thuỷ sản sẽ phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thỉnh thoảng phải ngâm mình dưới nước nên đòi hỏi kỹ thuât viên vùng nuôi phải có sức khoẻ tốt, kiên trì và chịu khó. Công việc tuy vất vả nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thủy Sản Việt Nam thì một việc làm ổn định với mức thu nhập cao là hoàn toàn có thể.

PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN THIẾT

- Yêu thích công việc

- Kiên trì, chịu khó

- Biết bơi, hiểu biết về điện và cách sử dụng điện để có thể sử dụng khi cần thiết

NƠI ĐÀO TẠO

Các trường cao đẳng, đại học hoặc các trường trung cấp nghề ở địa phương có chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản.