7 LOẠI TRÍ THÔNG MINH VÀ NIỀM TIN VÀO NĂNG LỰC CỦA CHÍNH MÌNH


Chỉ 3 từ trí-thông-minh mà cũng muôn hình vạn trạng!

Rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là người lớn, gia đình và nhà trường thường đánh giá trí thông minh của những đứa trẻ chỉ bằng một câu trả lời yes / no, nhưng thật ra, câu hỏi về trí thông minh lại là một câu hỏi có nhiều đáp án, không tốt, không xấu, không có ai là thông minh hơn ai, chỉ là bạn có đủ kiên nhẫn để khám phá năng lực của chính mình hay chưa?!

Có bao nhiêu loại trí thông minh?!

Từ thực tế của cuộc sống hằng ngày, có thể bạn đã từng ngạc nhiên về những bạn trẻ thường ghi danh vào “đội tuyển” học sinh yếu của trường, nhưng lại là một nhiếp ảnh gia tài giỏi, một vận động viên, một chuyên gia trang điểm, một nhà thiết kế thời trang, một người hoạt động xã hội… rất thành công khi trưởng thành. Điều đó khẳng định rằng, bạn không cần giỏi toán, lý, hoá nếu muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang, cũng như việc làu làu môn sử không ảnh hưởng gì đến quyết định trở thành một chuyên gia Tài chính - ngân hàng.

Vấn đề là chúng ta được đào tạo, giáo dục bằng một chương trình cung cấp những kiến thức nền tảng chung cho tất cả mọi người, và việc khám phá năng lực của chính mình lại phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có dành đủ sự kiên nhẫn, tận tuỵ để khai thác được các loại trí thông minh của chính mình hay không?

Thực tế tồn tại đến 7 loại trí thông minh và bạn có thể còn sở hữu nhiều hơn 1 loại. Bao gồm:

1. Trí thông minh logic toán: Đây là loại trí thông minh liên quan tới con số (toán học) và mối quan hệ logic giữa các sự vật. Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực liên quan tới con số (toán, vật lý, hóa học, ngân hàng, tài chính…)

2. Trí thông minh ngôn ngữ: Đây là loại trí thông minh liên quan tới năng lực sử dụng ngôn ngữ. Những người có trí thông minh này thường là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội…

3. Trí thông minh không gian: Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, địa chất, vật lý thiên văn…

4. Trí thông minh cơ thể: Đây là loại trí thông minh liên quan tới vận động của thân thể thường có ở những vận động viên thể thao, nghệ sĩ múa…

5. Trí thông minh âm nhạc: Lọai trí thông minh này thể hiện ở khả năng nghe nhạc, ghi nhớ nhanh giai điệu, sáng tạo ra các bản nhạc…

6. Trí thông minh về nội tâm: Thể hiện ở khả năng khám phá chiều sâu của bản thân…

7. Trí thông minh trong tương tác cá nhân: Những người có năng lực quan hệ với mọi người, nắm bắt được suy nghĩ của người khác, giỏi hợp tác, tập hợp mọi người, lãnh đạo...

Bạn thấy đấy, có đến 7 loại trí thông minh và chắc chắn là sau khi điểm danh qua các loại, bạn ít nhiều đã nhìn thấy chính mình trong đó. Điều này trả lời cho câu hỏi đầu bài viết, vì sao một học sinh yếu kém ở trường vẫn có thể trở thành người thành công ở một lĩnh vực nào đó trong tương lai.

Nếu bạn đã nhìn ra loại hình trí thông minh mà mình đang sở hữu, vậy thì quá tốt! Hãy mạnh mẽ đi sâu, tìm hiểu, khám phá, khai thác nhiều hơn những đặc điểm của loại trí thông minh đó để áp dụng vào việc học, việc lựa chọn nghề nghiệp và công việc của chính mình. Nếu chưa, không sao cả, việc khám phá bản thân thực sự là một hành trình đòi hỏi bạn phải theo đuổi, suy nghĩ, thậm chí thử đi thử lại nhiều lần để tìm ra năng lực, ra loại hình trí thông minh và những công việc mà bạn muốn theo đuổi dài lâu. Hãy kiên nhẫn và không từ bỏ, Hướng Nghiệp Dạy Nghề chúc bạn một năm mới hoạt động, học tập hiệu quả và thành công! <3 

Những tin tức khác