Việc thu hút học sinh vào các trường nghề đã không còn dễ dàng khi “tư duy” bằng cấp tiếp tục đè nặng lên cả học sinh lẫn phụ huynh. Trong khi đó, chưa nhiều trường nghề khẳng định được chất lượng đào tạo.
Học sinh tham quan gian hàng giới thiệu ngành nghề của các trường cao đẳng, trung cấp và giao lưu tại ngày hội hướng nghiệp được tổ chức tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo Sở GD-ĐT, chỉ có khoảng 10% học sinh sau tốt nghiệp THCS vừa đi học nghề vừa học bổ túc văn hóa. Con số này chỉ đạt khoảng 50% mục tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm như mong muốn.
Thờ ơ với hướng nghiệp
Mới đây, Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở GD-ĐT tổ chức một chương trình hướng nghiệp khá quy mô tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) với sự tham gia của 12 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.
Có trên 1.200 học sinh của 30 trường THCS và THPT, chủ yếu từ 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch tham gia hướng nghiệp. Được đưa rước chu đáo từ trường đến nơi tổ chức sự kiện, nhưng khi đến nơi, nhiều học sinh chỉ dạo quanh một vòng các gian hàng giới thiệu ngành nghề của các trường, sau đó ngồi lướt điện thoại “giết” thời gian.
Những tờ rơi giới thiệu ngành nghề tuyển sinh được cán bộ tuyển sinh các trường cấp cho học sinh tham khảo, nhưng nhiều em chỉ đọc qua loa rồi ném xuống đất. Thậm chí, có em còn bỏ buổi tư vấn để tranh thủ đi chơi ở siêu thị gần đó…
Em Nguyễn Thanh N., học sinh lớp 9 Trường THCS Long Thọ (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) được nhà trường cho đi tham gia chương trình hướng nghiệp, cho biết: “Hiện tại em chỉ nghĩ tới việc học cho tốt để sang năm thi lên lớp 10 chứ không nghĩ học hết lớp 9 thì đi học nghề. được nhà trường cử đi nên em đi cho vui”.
Cần làm mới trường nghề
Theo VCCI, trong bối cảnh các trường đại học tuyển sinh ngày một khó khăn thì các trường cao đẳng, trung cấp nghề càng không thể thuận lợi. Chọn một trường nghề để học cũng giống như chọn một sản phẩm tốt để sử dụng. Do đó, các trường cần phải cải thiện tốt hơn chất lượng đào tạo, khả năng kết nối doanh nghiệp với học sinh, sinh viên để tạo cơ hội việc làm. Cơ hội việc làm tốt sau học nghề chính là cách tốt nhất để quảng bá và thu hút học sinh đến với trường nghề.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Đồng Nai có nhiều cơ hội nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trình độ từ trung cấp tới cao đẳng trở lên vì có hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, trong đó có một số trường đang được đầu tư rất mạnh để đạt trình độ quốc tế, trường trọng điểm quốc gia và của tỉnh. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rất lớn, có khả năng tiếp nhận hàng chục ngàn lao động có tay nghề, nhưng có điều là chất lượng đào tạo phải được cải thiện tốt hơn nữa để doanh nghiệp nhận và trả lương cao cho người có trình độ nghề, từ đó mới có thể thu hút được người học”. |
Phó hiệu trưởng Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai Cao Thanh Tuấn nhận xét, hoạt động hướng nghiệp cho học sinh ngày một khó khăn. Cứ 10 học sinh vào học tại trường thì chỉ có 3 em tốt nghiệp THCS, còn lại là tốt nghiệp THPT. Trường có quy mô đào tạo 1 ngàn học sinh nhưng hiện nay mới chỉ có 600 học sinh.
Cũng theo Phó hiệu trưởng Cao Thanh Tuấn, trong hoàn cảnh khó khăn, trường đang cố gắng đầu tư trang thiết bị, kết nối doanh nghiệp, tạo đầu ra cho người học. Trường cũng tăng cường tuyển sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa như các huyện Tân Phú, Định Quán, sau đó liên kết với trung tâm dạy nghề của địa phương để đào tạo tại chỗ nhằm tạo thuận lợi cho người học.
Ông Tuấn lo lắng cho biết: ”Nếu không thể thu hút được người học, đến năm 2020 khi Nhà nước không còn bao cấp nữa, các trường phải tự chủ về tài chính thì sẽ càng khó khăn hơn”.
Theo đại diện một số trường cao đẳng, trung cấp nghề, để đổi mới được hình ảnh trường nghề trong con mắt của học sinh và phụ huynh không phải là chuyện dễ dàng, việc này đòi hỏi cách suy nghĩ năng động của người quản trị các trường, chương trình đào tạo, kết nối với doanh nghiệp...
Trong đó, khó nhất là đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại để đổi mới chương trình. Vì đổi mới chương trình đào tạo phải đồng bộ cả giáo trình lẫn thiết bị thực hành, mà các thiết bị đào tạo nghề hiện đại đa số có giá tiền tỷ, trường nào cũng cần thì Nhà nước khó đáp ứng.
Không ít trường hiện đang phải cầm cự hoạt động theo kiểu “mì ăn liền”, đó là liên kết đào tạo liên thông với các trường đại học, đào tạo những nghề ít phải đầu tư trang thiết bị, như: du lịch, nhà hàng khách sạn, sư phạm mầm non...
Thậm chí, có trường trung cấp nghề gần như không có người học, đang chờ được bàn giao sáp nhập vào với một đơn vị khác. Điều này sẽ dẫn tới mất cân bằng trong đào tạo nguồn nhân lực, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn đang “khát” lao động kỹ thuật có tay nghề.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) Nguyễn Khánh Cường cho biết trường đã phải rất nỗ lực tranh thủ nhiều nguồn lực để có thể hiện đại hóa ngành nghề đào tạo, trong đó có nhiều nghề được công nhận trình độ quốc tế tương đương với Anh, Mỹ, Đức.
Tuy nhiên, đầu tư hiện đại rồi mà không quảng bá tốt thì học sinh không thể biết. Do đó để tuyển được đủ chỉ tiêu, việc phối hợp với các trường phổ thông đưa học sinh tới tận trường để tham quan, tìm hiểu về các ngành nghề là việc làm thường xuyên của trường.
Theo Công Nghĩa - Báo Đồng Nai