HỌC NGHỀ - NHỮNG GÓC NHÌN TỪ BẢN THÂN & XÃ HỘI


 Khi có ai đó nhắc đến “học nghề”, có lẽ nhiều bạn sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh những công nhân, thợ điện, thợ cắt tóc hay những cô nàng chuyên sơn vẽ móng tay (gọi nghe ngậm ngùi một tí là làm nail - làm móng), … Vô hình chung những hình ảnh đó lại trở thành bức tường “định kiến” bao lâu nay của xã hội về tương lai của các bạn chọn con đường học nghề.

HỌC NGHỀ PHẢI CHĂNG CHỈ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GIỎI?

Chưa có một quy chuẩn nào từng được đưa ra để so sánh trình độ sinh viên khi lựa chọn đại học, cao đẳng hay ghi danh vào các trường nghề, nên các bạn cứ yên tâm và tự tin với lựa chọn của mình.  Có rất nhiều lý do “chính đáng” để học sinh chọn học nghề thay vì đi tiếp con đường học chính quy. Đó có thể là do hoàn cảnh gia đình, sở thích hoặc là từ lời khuyên của người thân.

Hãy tưởng tượng xem, một nhóm bạn học giỏi chơi thân với nhau, người thích làm bác sĩ, người lại mê sửa xe… Không thể nào cùng nhau đi học chung một trường được, đúng không nào? Bởi vậy chúng ta lại quay về ngã rẽ cuộc đời mình, tự hỏi xem thích gì, giỏi gì, khả năng của mình phù hợp với phương pháp nào. Nếu chưa “thông suốt”, thì hỏi ba mẹ, thầy cô và lên mạng tìm hiểu. ;)

HỌC NGHỀ CÓ CƠ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG?

Ai cũng muốn là người thành công dù lựa chọn đi con đường nào. Thành công là một trong những đích đến và mưu cầu của bạn trong cuộc sống. Đôi khi chỉ đơn giản là, bạn đặt mục tiêu, bạn hoàn thành nó và bạn reo lên “Mình thành công rồi!”.

Để trả lời cho câu hỏi bên trên, trước tiên bạn phải tin vào lựa chọn của chính mình. Một niềm tin mạnh mẽ từ chính bạn, và may mắn nếu được sự ủng hộ của người thân và xã hội sẽ khiến những khó khăn bị thu nhỏ, chặng đường thành công trở nên gần hơn.

Nhiều lúc bạn sẽ thấy chùng bước trước định kiến “chỉ làm được công nhân” đối với tương lai học nghề. Nhưng nếu ngẫm nghĩ lại sẽ thấy “Khoan, ai cũng phải xuất thân từ công nhân, nhân viên trước hết mà, mấy bạn học đại học cũng vậy!”

Tùy ngành nghề mà môi trường làm việc sẽ khác nhau, trong một nhóm nhân viên mới, bạn học cao đẳng hay trung cấp nghề sẽ làm công việc khá giống nhau nhưng người có kĩ năng, thái độ tốt sẽ có cơ hội thăng tiến nhanh hơn.

Học nghề có cơ hội để thành công! Quan trọng là bạn có lòng tin về quyết định của mình và đã cố gắng hết sức hay chưa.

LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG NÀO SẼ PHÙ HỢP CHO CHÍNH BẠN?

[Nhìn lại bảng điểm ở trường, hỏng bét, điểm chác thế này thì làm sao mà thi đại học, thôi chọn đại một ngành nghề cho có việc để làm là được.]

Đây là quan điểm cá nhân của số đông các bạn chọn học nghề và góc nhìn của xã hội nói chung. Nhưng khi ngày càng có nhiều tấm gương học nghề thành công thì góc nhìn này cũng bị nhạt nhòa dần.

Để đưa ra được nhận định chính xác và phù hợp cho hướng đi của mình, bạn cần dựa trên 3 yếu tố chính:

  •   Khả năng học tập của bản thân
  •   Hoàn cảnh gia đình
  •   Sở thích cá nhân

Đại học, cao đẳng hay học nghề, lựa chọn nào đáp ứng đủ 3 yếu tố trên chính là quyết định phù hợp nhất đối với bạn.

Trên thực tế cuộc sống, dù lựa chọn đường học nào, nhận bằng cấp thế nào đều có những thuận lợi và khó khăn riêng biệt. Đường học nào cũng chỉ là học kiến thức, kĩ năng. Khi rời khỏi môi trường học, bạn phải tự bay trên chính đôi cánh của mình bằng cách không ngừng phấn đấu, học thêm kĩ năng quản lý, liên tục trau dồi chuyên môn thì mới có cơ hội thăng tiến trong ngành.

Vậy đối với các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp, làm sao để xác định con đường cho riêng mình? Hướng Nghiệp Dạy Nghề có một số lời khuyên cho bạn:

-    Tâm sự và nhận lời khuyên từ ba mẹ, thầy cô. Nghiêm túc nói về tương lai, về những hoạch định cho bản thân, về những đắn đo với nghề nghiệp.
-    Xác định thế mạnh, sở thích và xem xét hoàn cảnh gia đình phù hợp với hướng đi nào.
-    Mở lòng mình ra một tí, thò chân tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện hay học trao đổi để tự “refresh” bản thân mà cũng để tìm kiếm mê, xốc lại mớ suy nghĩ hỗn độn về nghề nghiệp tương lai.
-    Tham gia tích cực các hoạt động đào tạo và hướng nghiệp nghề tại trường. Phát huy năng lực hết sức trong những đợt kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp do trường, khoa tổ chức.

Hướng Nghiệp Dạy Nghề tin là chỉ cần bạn có ý thức tự trang bị đầy đủ kiến thức, thấu hiểu về mỗi hướng đi và kiên trì theo đuổi ước mơ thì bạn sẽ thành công.

Những tin tức khác