LÀM THẾ NÀO NẾU BẠN CHẲNG CÓ ĐAM MÊ?


Một ngày bạn thức dậy và nghe cả “thế giới” này nói về đam mê, sống với đam mê, hãy theo đuổi đam mê thành công sẽ theo đuổi bạn,… Và bạn tự nhủ, cái quái gì thế này, mình còn chẳng có nổi 1 cái đam mê. Vậy phải làm thế nào?

Trước hết thì… bình tĩnh nào, vì đó không là vấn đề của riêng bạn, còn rất, rất nhiều bạn trẻ cũng đang loay hoay với câu hỏi mình là ai, mình thích gì, đam mê điều gì mỗi sáng. Và đây có lẽ là những gì bạn nên làm:

 BẮT ĐẦU TỪ SỞ THÍCH

Chúng ta thường có 1 hoặc nhiều sở thích, chỉ là đôi khi chúng ta cố phớt lờ nó đi bởi suy nghĩ:” Ôi dzào, mấy thứ vớ vẩn ấy mà, chả giúp ích được gì đâu”. Nhưng thực tế là đam mê luôn được khơi nguồn từ những sở thích tưởng chừng bé nhỏ: nấu ăn, tự thiết kế, may một món đồ, trồng cây, nuôi thú hay đơn giản là chơi game, viết lách để đăng lên mạng xã hội…

Thị trường ngày một phong phú và nhiều “công việc lạ” cũng ra đời. Nhiều bạn trẻ sở hữu những kênh Youtube hàng triệu người xem chỉ bằng cách nói chuyện hài hước, những người viết quảng cáo trên mạng xã hội, và một số bạn trẻ khác, bình luận game để có 1 nguồn thu nhập ổn định…

Điều đó có nghĩa là, luôn có 1 hướng đi để bạn phát triển nếu bạn thật sự nghiêm túc với sở thích của chính mình, và dần phát triển nó thành đam mê.

Đơn giản có thể chia thành 3 loại sở thích:
 Ngắn hạn: Là những điều khiến bạn cảm thấy bị hấp dẫn bởi sự mới lạ, thú vị của nó. Nhưng càng dấn sâu, bạn càng hiểu rõ hơn, thành thạo hơn và “thấm thía” nhiều hơn những khó khăn, bạn hết hứng thú và dần dần từ bỏ.

 Dài hạn: là những sở thích mà bạn vẫn còn bị hấp dẫn sau một thời gian dài, có thể là hàng năm trời. Tuy nhiên, có thể bạn không lựa chọn nó để tiếp tục phát triển thành sự nghiệp chính thức, bạn chỉ duy trì nó như một niềm vui ngoài giờ làm việc mà thôi. Đơn cử như bạn thích chơi bóng rổ với bạn bè, sau giờ học, giờ làm, bạn vẫn tụ tập mỗi tuần để chơi cùng nhóm bạn, nhưng nếu bạn nghiêm túc muốn theo đuổi để trở thành 1 vận động viên chuyên nghiệp thì đó lại là câu chuyện khác.

 Đam mê: Đôi khi chính bạn không hề nhận ra, chính xác thì lúc nào, một sở thích dài hạn sẽ phát triển thành đam mê. “Tôi có 1 người bạn, anh ấy rất thích các trò board game, anh ấy dồn hết tiền lương để sắm tất cả các bộ trò chơi. Vẫn là bình thường í nhỉ, cho đến một ngày anh ấy bắt đầu thành lập 1 CLB những người yêu board game, mở một cửa hàng chuyên cung cấp board game, một quán café dành cho những người yêu thích board game đến tụ tập và chơi với bạn bè…” Và thật may, lúc ấy thì bạn được sống với những điều bạn yêu thích mỗi ngày, có thu nhập và hạnh phúc.

Thường thì mỗi chúng ta luôn có một điểm mạnh về năng lực. Người giỏi viết, người giỏi vẽ, người tính toán tốt, người vận động thể chất tốt, có người lại giỏi “quán xuyến” - có nghĩa là có một cái nhìn tổng quan, điều tiết để mọi quy trình diễn ra thuận buồm xuôi gió…

Hãy lắng nghe chính mình, lắng nghe những người xung quanh để biết bạn thật sự giỏi trong công việc gì, việc gì bạn thường được khen, thường toả sáng… Từ điểm mạnh của năng lực, hãy cố gắng liên kết nó với đam mê. Nếu bạn quá yêu thích thời trang, nhưng bạn lại không giỏi vẽ để trở thành nhà thiết kế thời trang mà lại tỏ ra xuất sắc trong các môn tính toán. Tại sao không thử tìm hiểu lĩnh vực kinh doanh thời trang và mở 1 cửa hàng cho mình?!

TÌM MỘT (HOẶC VÀI) NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH

Điều này rất quan trọng! Một người đồng hành phù hợp sẽ bổ sung cho các khuyết điểm của bạn và vực dậy tinh thần trong những thời điểm khó khăn.

Sẽ rất khó để bạn liên tục đam mê 1 điều gì đó nếu cứ liên tục gặp khó khăn, cơ bản vì mỗi chúng ta vẫn cần “niềm hi vọng” để động viên tinh thần cho chính mình. Nếu bạn thấy bạn giỏi, bạn có khả năng, bạn được khen ngợi cho một điều gì đó, dần dần bạn sẽ say mê và ngày càng làm tốt nó hơn. (Chủ đề này sẽ được phân tích trong một bài viết khác).

Vậy nên sau khi tìm được đam mê, hãy đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, chừng mực, như những nấc thang, để từng bước hoàn thiện mục tiêu & tiến về phía trước. Miễn là bạn thấy bạn đang phát triển và làm tốt hơn mỗi ngày!

TRẢI NGHIỆM

Nếu bạn đã đọc đến đây, và trong đầu hiện lên 1 trong 2 câu hỏi:
 Thật khó để ngồi đây và biết thế nào là sở thích ngắn hạn, dài hạn hay đam mê?
 Cái gì thế này?! Mình còn chẳng biết mình giỏi hay có năng lực trong việc gì!

Vậy phải làm thế nào, hãy nhấc mông lên và trải nghiệm đi, thực tế sẽ cho bạn câu trả lời. “Tôi từng rất thích những món đồ gốm Nhật, tôi theo dõi tất cả các page đồ gốm, tìm hiểu hoa văn, hoạ tiết và cách để làm nên một món đồ gốm đẹp, cho đến ngày tôi bắt tay vào kinh doanh những sản phẩm này…”

Nếu bạn chọn sai, không sao cả, luôn có chỗ cho những sai lầm và hãy liên tục trải nghiệm cho đến lúc tìm được cái mà bạn thật sự đam mê. Nếu bạn đã tìm được, một thời gian sau bạn phát hiện ra mình lại đam mê 1 thứ khác còn nhiều hơn thế, thì cũng đã sao nào!

Bạn còn trẻ, bạn luôn có thời gian để làm mọi thứ. Hãy trải nghiệm những thứ bạn chưa từng làm, những nơi bạn chưa từng đi… QUAN TRỌNG LÀ HÃY BẮT ĐẦU!

Nhưng đừng bắt đầu với cái đầu rỗng, sự chuẩn bị là luôn cần thiết:
 Đặt các câu hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng trước khi làm bất cứ điều gì. 
 Tìm bạn đồng hành (nếu được, nếu cần)
 Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử từ một công việc mà người khác đang cần. Chí ít, nếu bạn chưa biết bạn cần gì, thích gì, hãy làm tốt những thứ mà xã hội và người khác đang cần để là NGƯỜI CÓ ÍCH. Sau đó, trải nghiệm, suy nghĩ & tìm hiểu để tìm ra “chân lý” của cuộc đời mình.

Hướng Nghiệp Dạy Nghề chúc bạn 1 năm 2018 ý nghĩa và nhiều may mắn!

Những tin tức khác