NGHĨ ÍT THÔI – LÀM NHIỀU LÊN! BÍ QUYẾT TẠO NÊN SỰ NĂNG ĐỘNG


Chẳng ai muốn bị gọi là thụ động hay để thời gian trôi qua vô ích. Bản thân bạn cũng có biết bao nhiêu dự định muốn hoàn thành, nhưng dường như bạn có thể kể ra hàng chục lý do khiến mình chưa bắt đầu. Bạn muốn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh nhưng học kỳ này quá nhiều bài vở, bạn muốn tập bơi nhưng trời cứ mưa liên tiếp… Khoan đã nào! Chẳng phải chính những suy nghĩ “bàn lùi” này mới là thứ đang cản trở bạn?

SUY NGHĨ NHIỀU, BẠN MẤT GÌ?

Có phải bạn thuộc dạng người thường phân vân rất nhiều trước một lựa chọn vì không biết như thế nào là tốt nhất và luôn e ngại một hệ quả mơ hồ nào đấy? Thật ra, dành thời gian cân nhắc cũng có mặt tích cực, vì nó giúp bạn nhìn ra các mặt lợi hại của một vấn đề và ra quyết định sáng suốt hơn. Nhưng điều gì xảy ra nếu bạn cứ suy nghĩ mãi mà không biết nên làm gì?

Đầu tiên, bạn sẽ để vuột mất nhiều cơ hội. Bạn có ý định thi IELTS nhưng còn đắn đo chuyện chi phí và chưa sắp xếp ôn luyện. Rồi đùng một cái, đứa bạn thân gửi cho bạn một chương trình học bổng du học hấp dẫn mà bạn đáp ứng mọi điều kiện, chỉ ước gì bạn chuẩn bị bằng cấp tiếng Anh sớm hơn vì sắp hết hạn đăng ký rồi. Hãy tích cực trau dồi và chuẩn bị bản thân một cách tốt nhất thì bất cứ khi nào cơ hội đến với bạn, bạn đều có thể nắm bắt được và tiến rất nhanh trên con đường của mình.

Suy nghĩ nhiều còn dễ đẩy bạn vào vòng tiêu cực lẩn quẩn. Một cô bạn kia luôn mặc cảm vì vòng hai của mình không được nhỏ nhắn lắm, cô ấy nhìn những bạn gái mặc crop-top khoe eo con kiến mà ganh tị, “sao mình hổng được như họ”. Ủa chi vậy? Đi tập thể dục đi chứ! Suy nghĩ nhiều chỉ làm tốn thời gian của bạn, mà bạn lại chẳng cải thiện bản thân được chút nào.

RÈN LUYỆN CÁCH SUY NGHĨ

Nếu bạn cảm thấy mình là người hay suy nghĩ lan man và tiêu cực, hãy thử làm theo những lời khuyên sau nhé:

  • Luôn tự nhủ rằng: “Suy nghĩ nhiều không mang lại ích lợi gì”
  • Tránh những lo âu không cần thiết. Thực sự điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Trước khi một việc thật sự xảy ra thì bạn chưa nói trước được điều gì phải không nào?
  • Nếu bạn cảm thấy lười và thiếu động lực, hãy “thành thật khai báo” với bản thân có phải bạn đang vẽ ra đủ lý do để ngụy biện?
  • Tránh những suy nghĩ mặc cảm, tự dằn vặt mình

Vậy, suy nghĩ như thế nào là tích cực? Đó là:

  • Có những lời tự động viên, thúc đẩy bản thân mình
  • Nên dự trù trước những khó khăn bạn phải vượt qua trên con đường đạt được mục tiêu
  • Hướng suy nghĩ vào kế hoạch và giải pháp

OKAY, LÀM THÔI!

Mấu chốt giúp bạn ngừng suy nghĩ và bắt tay vào làm là tự đặt ra hạn chót cho mình. Hạn chót sẽ giúp tập trung suy nghĩ của bạn vào việc hoàn thành công việc. Bạn muốn đăng ký lớp học nhảy? Hãy tự đặt hạn chót trước cuối tuần phải xong nhiệm vụ này!

Đa phần cảm hứng và động lực đến từ trải nghiệm của chính bạn, chứ không chỉ từ sự ủng hộ của bạn bè và người thân. Khi bắt đầu làm một việc, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về việc đó, và trên hết là cảm xúc mà trải nghiệm đó đem lại. Bạn cảm thấy hào hứng, vui vẻ, có cảm giác chinh phục, tự hào… – Vậy là bạn đã có thêm động lực để tiếp tục con đường mình chọn rồi đấy.

Đứng trước một trải nghiệm mới, chúng ta luôn có những lo lắng nhất định kèm theo nỗi sợ thất bại. Nhưng bạn biết không, chỉ có làm thì bạn mới biết nỗi sợ đó có thật hay không. Càng làm bạn sẽ càng có nhiều kinh nghiệm, khám phá thế mạnh của mình và trở nên tự tin, dạn dĩ hơn, sẵn sàng quăng mình vào những trải nghiệm mới.

Dần dần bạn sẽ quen và yêu cuộc sống năng động hơn, vì nó mang lại cho bạn những trải nghiệm cùng những cảm xúc tích cực làm giàu cuộc sống của bạn. Vì vậy, hãy bớt nghĩ đi và làm nhiều hơn nhé.

Những tin tức khác